Vượt qua gần 200 tác phẩm gửi về từ mọi miền trên Tổ quốc, hơn 10 bức ảnh chất lượng dưới đây đã xuất sắc đạt được những ngôi vị cao nhất tại cuộc thi ảnh “Trường tôi thế đấy”.
Một ta trong đại dịch
“Không có gì trong cuộc sống là đáng sợ, mọi thứ vốn chỉ để được thấu hiểu. Giờ là lúc hiểu nhiều hơn, để rồi chúng ta có thể sợ ít hơn” - Marie Curie. Câu danh ngôn của nhà khoa học gốc Ba Lan vào những năm 70 của thế kỉ XX như gói trọn cái nhìn của mỗi người về bản thân cũng như thế giới khi đối diện với cơn đại dịch của toàn nhân loại trong hoàn cảnh hiện nay.
Chúng ta đã bước sang năm Covid-19 thứ hai. Không chỉ một đất nước, một cộng đồng thay đổi vì dịch bệnh, mà ngay trong từng cá nhân, ta cũng đang chịu ảnh hưởng ít nhiều từ “Cô Vy”. Trong suốt khoảng thời gian này, nhiều điều sẽ không bao giờ có thể quay lại như trước, chúng ta có những nếp sống mới, cảm nhận mới, góc nhìn mời và mọi người cùng hướng về một “bình thường mới” - nơi mà xã hội sẽ vận hành theo một cách an toàn và hiệu quả hơn.
Bệnh dịch tạo ra những khoảng trống vật lý, khiến các cô cậu học trò phải tạm xa mái trường quen thuộc, xa người bạn luôn gần bên, khiến những người con xa xứ phải ngậm ngùi nhìn người thân yêu qua chiếc màn hình khi chuyến bay bị hủy. Thậm chí, ngay cả những công việc thường nhật nhất như đi dạo phố hay la cà quán xá cũng đành phải gác lại. Những khoảng trống vật lý đã vô tình mang đến những khoảng trống trong tâm hồn ta. Phải chăng càng những lúc trống rỗng, ta lại càng tìm kiếm sự sẻ chia kết nối với các cá nhân khác?
Đầu năm 2020, trào lưu Ngày Này Năm Xưa (How much you have changed) đã được cộng đồng mạng hưởng ứng mạnh mẽ với gần 5 triệu lượt tham gia chỉ trong 2 tháng. Đơn giản là công khai bức ảnh được chụp từ những ngày đầu dùng mạng xã hội và bức ảnh gần đây nhất của bản thân, nhưng tại sao nó lại có sức lan tỏa lớn đến thế?
Đáp án nằm ở sự thay đổi. Ta thích thú với những điều khác biệt giữa mình của hiện tại với phiên bản “non trẻ” hơn vài năm về trước – cái thời ngây ngô và chưa để tâm đến ánh nhìn của người khác. Ta tự hào vì sự trưởng thành với những dấu mốc quan trọng trong suốt chuyến hành trình ấy, và ta mong muốn sẽ là một người mang thông điệp tích cực, truyền tải tới nhiều người hơn về quá trình tôi luyện bản thân qua năm tháng.
Đáp án nằm ở sự thay đổi
Tất nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng tốt đẹp và thuận theo ý muốn của ta. Có đôi lúc, cảm giác lo âu, rối bời, bất an, hay bất cứ thứ cảm xúc tiêu cực nào khác sẽ bủa vây chúng ta mỗi khi ta bị đặt vào một môi trường xa lạ, một tình cảnh khó khăn - đại dịch Covid-19 chẳng hạn. Việc nhận thấy mọi thứ trở nên phức tạp và vượt ngoài tầm kiểm soát của bản thân là chuyện phổ biến. Nhưng bạn biết không? Chấp nhận thay đổi sẽ làm ta đổi thay tốt hơn. Chỉ cần ta biết thích nghi, sẽ luôn có cách để sống, và khi ta thực sự để mình sống trọn, cuộc sống ấy sẽ tốt lên từng ngày.
Sống trong những năm tháng đầy biến động như bây giờ, ta nhận ra việc giãn cách cho mỗi người không gian và sự tĩnh lặng để nhìn lại bản thân. Tách khỏi nhịp sống xô bồ, ta có tâm trí suy nghĩ về những nguyện vọng của mình và tái khởi động nhiều kế hoạch mà ta vẫn thường lấy cái cớ bận rộn hoặc không có thời gian để trì hoãn như tập thể dục hay học ngoại ngữ.
Việc học trực tuyến ban đầu vốn nhàm chán và thiếu động lực lại rèn cho ta tính kỷ luật, cách tự học cũng như kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả hơn. Bằng cách giữ cho mình sự năng động và sáng tạo, người trẻ chúng ta đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng từ những việc làm đơn giản vốn xuất phát từ mỗi cá nhân: từ trào lưu Vũ điệu Rửa tay, Yêu Bếp Nghiện Nhà đến từng bức tranh tôn vinh cổ vũ y, bác sĩ, các bài hát cổ động… tất cả đều cho thấy một tinh thần vì cộng đồng đáng quý.
Dù bạn ở đâu hãy chọn cách sống chủ động
Xét ở khía cạnh khác, khủng hoảng do đại dịch làm ta trân trọng hơn những điều vốn diễn ra thường nhật nhưng để lại trong lòng những cảm xúc khó quên. Đó có thể là cái không khí náo nhiệt giữa tiếng nhạc và tiếng nói cười trên phố đi bộ, bữa cơm trưa ăn vội ăn vàng cùng hội bạn chuẩn bị cho tiết buổi chiều trên giảng đường, hay chỉ đơn thuần là nụ cười tỏa nắng của người bạn thầm thích.
Trong tiếng Anh có một câu nói như này: “Absence makes the heart grow fonder” (Sự xa cách làm con tim gần nhau hơn). Ở thời điểm việc tiếp xúc trực tiếp là hạn chế, xây dựng và bồi dưỡng các mối quan hệ xã hội sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn, dạy cho ta sự tin tưởng và cảm thông cùng niềm tin rằng ta không cô đơn. Dù ở xa, đôi khi tất cả những điều ta cần là một câu hỏi thăm hay một lời khen để khơi dậy năng lượng tích cực của cả ngày.
“Absence makes the heart grow fonder” (Sự xa cách làm con tim gần nhau hơn)
Điều cuối cùng, cũng là điều mà xã hội phát triển đã làm mờ đi tầm quan trọng của nó, chính là học cách nhờ giúp đỡ. Chúng ta không sống một mình, và không thành công nào được tạo nên từ sự cô độc. Đừng mặc cảm nghĩ rằng bản thân đang làm phiền người khác, vì chẳng ai đòi hỏi ta phải toàn năng và hoàn hảo. Khi gặp khó khăn, hãy nắm lấy cánh tay đang chìa ra trước mắt, cách để đền đáp tốt nhất chính là lan tỏa sự chân thành đó đến mọi người
Trở lại với câu danh ngôn của Marie Curie, đặt trong bối cảnh ngày nay, cảm giác sợ hãi không an toàn là không tránh khỏi. Thay vì việc để nỗi sợ lấn át cái nhìn trực quan, ta nên coi Covid-19 như một ngưỡng cửa – giờ là lúc chúng ta soi xét hình ảnh phản chiếu của chính mình cùng môi trường xung quanh để thêm thấu hiểu về bản thân và thế giới bao la. Khi ấy, ta sẽ có đủ hiểu biết, tự tin và bản lĩnh để đương đầu với khó khăn trước mắt và chuyển hóa thách thức thành cơ hội trong thời đại mới với nhiều biến động đang chờ đón.
Thu Hiền