Điểm danh các sản phẩm công nghệ “đỉnh của chóp" do HSSV FPT Edu sáng tạo trong năm 2021

Năm 2021 đánh dấu thời gian học tập online kéo dài, những tưởng sẽ làm khó tinh thần học tập, sáng tạo của cư dân Ao làng. Ấy vậy mà trong năm nay, HSSV FPT Edu đã “vượt sóng” cho ra mắt vô số sản phẩm công nghệ ấn tượng. 

1. Ứng dụng dạy học tương tác trực tuyến

Tại cuộc thi F Shark 2021 do ĐH FPT Đà Nẵng tổ chức, 2 sinh viên là Võ Nguyễn Đình Trí cùng Hoàng Trọng Gia Huy đã đem đến ứng dụng REBO và thành công khi nhận về mức đầu tư 15.000 USD tiền mặt cho 7% cổ phần của dự án từ công ty Sông Hàn Incubator.

Đây là ứng dụng dạy học trực tuyến tập trung khai thác kho dữ liệu mô hình 3D nhằm tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, sinh viên, hỗ trợ giáo dục thân thiện với người dùng. Team REBO đã cùng nhau nghiên cứu và xây dựng nền tảng thiết kế bài giảng tương tác trực tuyến lý tưởng, phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề học trực tuyến, đặc biệt ngay đợt dịch Covid-19. Không chỉ sở hữu chức năng tạo loại câu hỏi, bài tập tương tác trực tuyến, REBO tích hợp lượng lớn tài nguyên từ thư viện mô hình 3D Google Poly, REBO 3D, Gifphy, Youtube, Soundcloud… giúp người dạy và học dễ dàng sáng tạo các bài giảng trực quan, sinh động.

REBO được đánh giá cao khi tích hợp nhiều tài nguyên xây dựng bài giảng

Theo chia sẻ của Đình Trí - thành viên thực hiện dự án, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025, REBO hướng đến tiếp cận 70 doanh nghiệp giáo dục tại Việt Nam chủ yếu là các trường học tư nhân và công lập từ THCS đến bậc Đại học với hơn 30.000 người dùng. REBO sẽ cung cấp hơn 1 triệu bài giảng và khóa học chất lượng tích hợp các hình ảnh đồ họa, bảng biểu, số liệu trực quan cho người học. 

2. Ứng dụng hỗ trợ chẩn đoán u não

Tại kỳ đồ án Summer 2021, nhóm sinh viên Đại học FPT Cần Thơ gồm: Kiên Hà Ngọc Tấn, Phạm Duy, Phạm Võ Anh Quốc, Phạm Chí Đức và Nguyễn Đông Hưng đã thực hiện đồ án tốt nghiệp là ứng dụng mang tên Braintumor Detection. Đây là ứng dụng hỗ trợ bác sĩ tối đa hóa thời gian và độ chính xác trong chẩn đoán các bệnh liên quan u não. 

Sản phẩm này được ứng dụng các kỹ thuật Machine Learning (học máy) và Deep Learning (học sâu) để sử dụng dữ liệu hình ảnh được truy xuất từ kết quả của máy MRI và chẩn đoán trực tiếp trên các hình ảnh đó. Nếu phát hiện khối u xuất hiện, Braintumor Detection sẽ thông báo cho bác sĩ để chẩn đoán lại dựa trên kết quả tham khảo từ ứng dụng. Từ đó các bác sĩ nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm hạn chế sự phát triển của khối u não.

Braintumor Detection mong muốn hỗ trợ bác sĩ rút ngắn thời gian và tối đa hóa độ chính xác của chẩn đoán

Là một trong số các viên khóa đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT Cần Thơ, nhóm phát triển Braintumor Detection đã thể hiện năng lực chuyên môn tốt thông qua đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cho doanh nghiệp và cộng đồng và nhận được đánh giá cao từ phía hội đồng phản biện của nhà trường.

3. Ứng dụng Caffeine 
Cà phê là một trong những thức uống được ưa chuộng trong xã hội hiện nay, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Nắm bắt được tâm lý đó, nhóm sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội đã triển khai dự án kinh doanh cà phê mang tên Caffeine. 

Không đơn thuần chỉ là một dự án kinh doanh, nhóm còn nghiên cứu và xây dựng website và ứng dụng để nâng cao trải nghiệm khách hàng, mang tới cho người dùng những tính năng hữu ích, tiện dụng.

Dự án xây dựng Ứng dụng và Website Caffeine của sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội

Trước khi thực hiện dự án, nhóm đã dành thời gian nghiên cứu ứng dụng của các thương hiệu đồ uống lớn như Aha, Highland Coffee và Twitter Beans coffee… cũng như những trải nghiệm của chính của bản thân. Một số vấn đề mà nhóm đã tìm hiểu như: vấn đề vận chuyển, các chương trình giảm giá khuyến mãi, thị hiếu về mặt hình ảnh… Từ những phát hiện này, nhóm dễ dàng xác định được khách hàng mục tiêu cũng như tích hợp nhiều chức năng như: liên kết các app giao hàng, tin tức, khuyến mại… đem lại sự thuận tiện cho khách hàng. 

Các chức năng trong ứng dụng được các thành viên nghiên cứu kỹ lưỡng

Cùng xem thêm chi tiết về dự án này trong video dưới đây:

4. Ứng dụng quản lý dự án, đấu thầu

Trong kỳ bảo vệ đồ án vừa qua, nhóm sinh viên chuyên ngành An toàn thông tin, Đại học FPT Cần Thơ đã đưa Blockchain vào phần mềm quản lý dự án, minh bạch trong đấu thầu, kỳ vọng mang giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp. Ứng dụng này có tên gọi là InProject. Nhóm sinh viên tạo ra InProject có 6 thành viên gồm Lê Quốc Khôi, Lưu Nguyễn Trung Hậu, Hồ Thị Thanh Lam, Hồ Thị Huỳnh Mai, Nguyễn Thành Danh và Trần Hoàng Nghĩa.

Lê Quốc Khôi (trưởng nhóm) cho biết, InProject tập trung xử lý 2 vấn đề gồm Web-app quản lý dự án và chức năng đấu thầu trong dự án. Dữ liệu về mỗi tác vụ của người dùng sẽ được lưu trữ trong smart contract của Blockchain (binance smart chain), đảm bảo được tính chống chối từ (non-repudiation) và tính toàn vẹn dữ liệu (integrity)

Giao diện ứng dụng InProject

Chỉ những người có quyền mới được tương tác với dữ liệu, giúp truy vết đối tượng tương tác dễ dàng hơn. Doanh nghiệp sẽ biết được công việc được giao cho ai, người nào đã thực hiện và người nào chưa. Mỗi người khi phát sinh tác vụ đều phải thực hiện bằng khóa riêng nên người quản trị không thể thay đổi dữ liệu như cách các phần mềm cũ đang làm.

Theo nhóm sinh viên, các công việc trong dự án cũng có thể outsourcing (thuê ngoài) bằng cách đấu thầu. Các hồ sơ dự thầu sẽ được công khai và minh bạch giữa tất cả nhà thầu. Điều này có thể giúp gói thầu được chọn bởi năng lực của nhà thầu, tránh các việc đi "cửa sau" làm thất thoát chi phí của doanh nghiệp.

InProject đã được hoàn thiện và đang trong quá trình đưa ra thị trường. Ứng dụng này được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp tối ưu cho quản lý và đấu thầu dự án của doanh nghiệp.

5. Ứng dụng dự đoán bệnh

Vào tháng 9/2021, nhóm sinh viên Lê Nhật Quang, Vũ Văn Hoàng, Kiều Hiếu Thành, Bùi Nguyễn Nhật Tâm, Nguyễn Đặng Quốc Khánh chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT HN đã phát triển ứng dụng Pemeprap nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc di chuyển tới các cơ sở y tế, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Pemeprap là ứng dụng tự động chẩn đoán bệnh dựa trên thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên như tách từ và tìm từ đồng nghĩa của tiếng Việt, sau đó ứng dụng công nghệ AI Deep Learning để đưa ra chẩn đoán bệnh. Các dữ liệu thực tế của người dùng được lưu lại sau mỗi lần chẩn đoán và được sử dụng trong quá trình “học lại” nhằm nâng cao tỉ lệ chính xác cho những lần sử dụng tiếp theo.

Với cách thức đơn giản, bệnh nhân chỉ cần tải ứng dụng về smartphone và thực hiện thao tác 5 bước: mô tả triệu chứng, chờ xử lý dữ liệu, nhận chẩn đoán lần 1, chờ xác nhận của bác sĩ, nhận đơn thuốc.

Thao tác đơn giản, nhanh chóng là ưu điểm của ứng dụng Pemeprap

Đặc biệt, Pemeprap còn có chức năng chẩn đoán bệnh thông thường từ xa bằng giọng nói hoặc văn bản; hỗ trợ sử dụng giọng nói cho người dùng nếu có khó khăn trong việc sử dụng bàn phím và có thể lưu lại lịch sử phiên khám bệnh để người dùng và bác sĩ có thể thuận tiện theo dõi.

Giảng viên Lương Hoàng Hướng (ĐH FPT) cho biết: “Ứng dụng có độ hoàn thiện cao, các chức năng đã được kiểm tra, thử nghiệm và đánh giá tốt khi có thể dự đoán được 9 loại bệnh cơ bản. Để tiến tới thương mại hóa sản phẩm này, các bạn sinh viên nên thử nghiệm trước tại cơ sở bệnh viện hoặc phòng khám tư để các bác sĩ biết, sử dụng và cung cấp thêm dữ liệu bệnh khác để hoàn thiện sản phẩm và nâng cao tính thương mại”.

Bên cạnh các dự án kể trên, trong năm qua HSSV FPT Edu đã thực hiện nhiều sản phẩm công nghệ khác nhau từ dự án môn học, đồ án tốt nghiệp, tranh tài tại các cuộc thi công nghệ, khởi nghiệp trên đa dạng lĩnh vực. Biến bất lợi thành cơ hội, nhiều dự án công nghệ đã lấy bối cảnh, các vấn đề trong đại dịch như y tế hay giáo dục online… để lên ý tưởng và thực hiện các sản phẩm hữu ích. Mong rằng các sản phẩm công nghệ được ra đời sẽ ngày càng hoàn thiện và đem lại giá trị cao cho cộng đồng. 

Vân Anh

Cóc theo dòng sự kiện